Lượt xem: 686

Sản xuất rải vụ - giải pháp giảm áp lực tiêu thụ cho nhà vườn trồng cây ăn trái

Mặc dù những năm gần đây, tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng được rất nhiều chuỗi liên kết tiêu thụ trái cây xuất khẩu, nhưng sản lượng vẫn còn hạn chế do phải phụ thuộc nhiều vào mùa vụ. Cùng với đó, việc thu hoạch vào cùng thời điểm khiến nhà vườn luôn phải thấp thỏm trong nỗi lo về giá và khả năng tiêu thụ khi “cung” luôn vượt “cầu”. Từ thực trạng này, nhà vườn trồng cây ăn trái tại tỉnh đã có sự nhạy bén khi thực hiện sản xuất trái cây theo phương thức trồng rải vụ. Đây được xem là giải pháp phát triển an toàn khi vừa mang đến giá trị lợi nhuận cao hơn cho nông dân, vừa đảm bảo sản lượng xuất khẩu liên tục cho công ty, doanh nghiệp có nhu cầu.

 


Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu tham quan vùng trồng nhãn xuồng rải vụ của HTX Nhãn Vĩnh Châu.

 

    Nếu như thời điểm này, nhiều diện tích trồng nhãn xuồng cơm vàng ở thị xã Vĩnh Châu chỉ đang trong giai đoạn ra cơi đọt thì vườn nhãn xuồng của các thành viên thuộc Hợp tác xã (HTX) Nhãn Vĩnh Châu ở khóm Biển Dưới, phường Vĩnh Phước đã sum xuê trái và bắt đầu vào đợt thu hoạch. Nếu như đặc tính của nhãn xuồng thường chỉ cho trái kéo dài từ tháng 6 đến tháng 7 hoặc tháng, thì nhờ thực hiện sản xuất rải vụ, HTX đã có thể kéo dài mùa vụ, hạn chế được sức ép về giá bán và áp lực trong khâu tiêu thụ. Mặc dù năng suất trồng rải vụ trên cây nhãn xuồng chỉ đạt khoảng 70% so với vụ chính, nhưng giá bán luôn ở mức cao hơn. Ông Đinh Hoàng Vũ - Giám đốc HTX Nhãn Vĩnh Châu cho biết: “Giá bán cao hơn so với vụ chính từ 30 đến 40%. Đầu ra mình có nguồn hàng liên kết ổn định với các vựa trái cây, hợp đồng liên kết với Bưu điện tỉnh và một số siêu thị tại thành phố, sức tiêu thụ trung bình một ngày từ 300 - 500kg”.

    Còn tại HTX Lộc Mãi ở Ấp 3, xã Trinh Phú, huyện Kế Sách, phương pháp trồng rải vụ cũng đã mang đến hiệu quả thiết thực cho hoạt động sản xuất và tiêu thụ trái vú sữa của các thành viên. Nếu như thông thường, vú sữa chỉ cho trái kéo dài từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau, thì nay, vườn vú sữa của hầu hết các thành viên đều cho trái gần như quanh năm. Không chỉ đạt năng suất cho trái cao hơn so với vú sữa được trồng chính vụ (do không bị ảnh hưởng thời tiết), vườn vú sữa được trồng rải vụ cũng mang đến sự chênh lệch cao về giá bán khi tránh được việc thu hoạch đông ken so với trước kia. Quá trình liên kết tiêu thụ để xuất khẩu cũng diễn ra thuận lợi hơn nhờ có sản lượng trái đủ lớn để đáp ứng kịp thời nhu cầu thu mua của các công ty, doanh nghiệp vào thời điểm nghịch mùa. Anh Phan Văn Chơ - thành viên HTX Lộc Mãi cho biết thêm: “Năng suất đạt cao hơn nhiều so với khi trồng chính vụ, chênh lệch khoảng từ 10 - 20%. Trồng chính vụ do ngay mùa mưa nên trái bị rụng rất nhiều, còn nghịch vụ thì cây đậu trái tốt. Giá bán cũng cao hơn gần phân nửa. Ví dụ thông thường mình bán 1kg như vậy là 10.000 hoặc 15.000 đồng, thì khi trồng nghịch vụ sẽ bán được từ 20.000 đến 25.000 đồng”.

    Có thể thấy, việc áp dụng biện pháp rải vụ là giải pháp thiết thực giúp nhà vườn kéo dài được mùa vụ thu hoạch hoặc thu hoạch sớm hơn nhằm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân trên cùng một đơn vị diện tích. Hiện nay, việc sản xuất rải vụ đang được nông dân Sóc Trăng thực hiện chủ yếu trên 02 sản phẩm chính là nhãn và vú sữa, đây cũng là những sản phẩm trái cây đạt chứng nhận OCOP từ 3 đến 4 sao của tỉnh, nên việc trồng rải vụ trên 2 đối tượng cây trồng này còn góp phần đáp ứng tốt tiêu chí về “Năng lực sản xuất, đáp ứng yêu cầu phân phối” mà Chương trình OCOP đã đặt ra. Tuy vậy, sản xuất rải vụ còn tùy thuộc vào các điều kiện như: đất đai, giai đoạn sinh trưởng… nên rất cần có sự hỗ trợ từ cơ quan chuyên môn và sự thống nhất của công ty, doanh nghiệp về sản lượng liên kết tiêu thụ để nông dân có sự mạnh dạn hơn khi quyết định đầu tư. Đồng chí Nguyễn Thành Phước – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: “Quan trọng nhất vẫn là sự vào cuộc của các doanh nghiệp, chính doanh nghiệp phải có sự phối hợp chặt chẽ với người nông dân để đảm bảo mối liên kết tiêu thụ  bền vững hơn, góp phần làm tăng giá trị tại những vùng trồng rải vụ. Chúng ta cũng cần quy hoạch lại để xác định rõ là những nơi nào nên thực hiện rải vụ, từ đó có giải pháp kỹ thuật canh tác sao cho đồng bộ hơn, ngành chuyên môn cũng sẽ thuận lợi hơn trong việc tập huấn, chuyển giao kỹ thuật hay các tài liệu có liên quan. Sản xuất rải vụ là một cách làm mang tính tập thể nên cần có sự đồng lòng, phối hợp giữa nhiều nông dân thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác. Vì sản xuất rải vụ cần diện tích lớn nên cần thiết phải có sự phân công cụ thể giữa các thành viên trong hợp tác xã, tổ hợp tác để áp dụng tốt hơn các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác”.

    Diện tích trồng cây ăn trái tại Sóc Trăng hiện đã phát triển trên 28.000 ha. Quy mô vùng trồng khá lớn, nên bên cạnh thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, đòi hỏi nhà vườn cần phải nâng cao khả năng cạnh tranh đối với các sản phẩm có cùng chủng loại ngay chính trong thị trường nội địa. Và, sản xuất theo phương thức rải vụ đang cho thấy khả năng giải quyết ổn thỏa những vấn đề đang đặt ra khi tránh được việc thu hoạch cùng thời điểm với các tỉnh, thành khác trong khu vực. Nếu được áp dụng rộng rãi trên nhiều loại cây ăn trái khác, trái cây Sóc Trăng sẽ tạo được niềm tin với công ty, doanh nghiệp thu mua khi duy trì được liên tục chuỗi cung ứng. Khi đó, “câu chuyện giải cứu nông sản” cũng sẽ không còn là áp lực lớn đối với ngành Nông nghiệp địa phương.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 38
  • Hôm nay: 215
  • Trong tuần: 70,642
  • Tất cả: 11,802,649